Ăn, Cầu nguyện, Yêu (P2)

Cầu nguyện có lẽ là việc chúng ta ít muốn làm nhất trong ba việc ăn, cầu nguyện, và yêu :D. Bởi thế, tôi cứ ngại và lần lữa mãi việc đọc lại phần này. Lần đầu đọc cuốn này cách đây nhiều năm, ấn tượng duy nhất của tôi về phần “cầu nguyện” này là những mô tả về trải nghiệm của tác giả là một người vốn ưa sống ồn ào khi phải làm cái việc tập yên lặng và thiền – đại khái là cũng là lạ và thú vị. Lần này đọc lại, tôi đã hiểu nhiều hơn về một vài “khổ đau tinh thần căn bản của nhân loại” 😀 nên có lẽ cũng hiểu hơn về tiến trình Liz Gilbert học cách tự hàn gắn những vết thương lòng thông qua việc học cách cầu nguyện.

Cầu nguyện mà cũng phải học cách? Phải đó, nếu như bạn muốn làm việc này một cách có ý nghĩa, chứ không phải nói một lời bâng quơ xin một đấng tối cao nào đó ban phước lành cho bạn – đây là điều tôi hiểu ra sau khi đọc lại phần hai của cuốn sách này hôm nay. Hy vọng khi đọc cuốn sách này, các bạn đã không bỏ qua đoạn viết sau:

Cầu nguyện là một mối liên hệ; một nửa công việc đó là của tôi. Nếu tôi muốn sự biến đổi, mà thậm chí không buồn nêu rõ chính xác tôi muốn điều gì, thì làm sao nó có thể xảy ra? Một nửa ích lợi của cầu nguyện nằm trong chính việc hỏi, trong việc nêu ra rõ ràng và có cân nhắc một mục đích. Không có điều đó, tất cả những cầu xin và mong muốn của ta đều là không xương, mềm, trơ; chúng cuộn dưới chân ta thành đám sương mù lạnh và không bao giờ tan. Vậy nên sáng nay tôi dành thời gian tìm kiếm ở chính mình cụ thể cái tôi thật sự mong cầu. Tôi quỳ ở đó, trong đền, úp mặt xuống nền đá cẩm thạch lạnh cho đến khi nào tôi hình thành được một lời cầu nguyện đích thực. Nếu tôi không cảm thấy mình thành tâm, tôi sẽ ở đó trên sàn, cho đến khi tôi cảm thấy mình thành tâm. Điều đúng cho ngày hôm qua không phải luôn đúng cho hôm nay. Những lời cầu nguyện có thể trở nên cũ rích và đều đều đến nhàm chán, thậm chí sáo rỗng nếu ta để sự chuyên chú của mình tù đọng. Khi cố gắng giữ mình tỉnh giác, tôi đang đảm nhận trách nhiệm canh giữ cưu mang linh hồn của chính mình.

Câu chuyện cầu nguyện, hay chính xác hơn là câu chuyện học cách tự hàn gắn thông qua việc học cách cầu nguyện, của Liz đã được kể rất khéo. Đó không phải là một câu chuyện bạn quẳng mình đến một nơi tu thiền trong vài tháng, bạn ngoan ngoãn cầu nguyện như một tín đồ ngoan đạo, rồi những nỗi buồn của bạn cứ theo những lời cầu nguyện mà vợi dần đi cho tới khi bạn thấy lòng mình nhẹ nhõm, bạn thu dọn va-li rồi trở về với thế giới thực của cuộc đời bạn. Không phải thế. Hành trình tự hàn gắn cuộc đời mình bao giờ cũng là một cuộc vật lộn, một cuộc đấu tranh với chính mình, rồi thì may ra cuối cùng bạn hiểu ra được một điều gì đó từ cõi lòng tan nát của mình.

Hành trình của Liz cũng vậy, cũng là những khoảng thời gian khủng hoảng, liên tục đối diện và đối thoại – với những người chị gặp ở Ashram và với chính mình – về những vết thương từ quá khứ mãi không khép miệng, để rồi chị dần dần hiểu ra một vài điều, trước khi có thể thực sự yên lặng mà úp mặt xuống sàn đá lạnh để cầu nguyện như chị có nhắc đến trong đoạn trích trên. Nếu có biết một chút về bản chất của việc tự hàn gắn chính mình theo tâm lý học hiện đại, bạn sẽ thấy những gì Liz đã trải qua như chị kể lại trong cuốn sách này chính xác là những gì các nhà tâm lý học sẽ khuyên bạn nên làm. Có điều, thực hiện một quá trình như vậy quả là mệt nhọc, cô đơn, và quá nhiều điều có thể khiến ta nản chí mỗi ngày. Thế nên, biết đâu đọc về một trải nghiệm của một người khác – mà ở đây là Liz – lại có thể mang lại cho bạn một chút động viên?

Điều tôi đã muốn từ lâu là có một cuộc trò chuyện thật sự với chồng cũ của mình, nhưng rõ ràng chuyện này không bao giờ xảy ra. Điều tôi vẫn mong muốn là một giải pháp, một hội nghị thượng đỉnh hòa bình, từ đó chúng tôi có thể bước ra với một sự thấu hiểu hòa hợp về những gì đã xảy ra trong hôn nhân của chúng tôi, và tha thứ cho nhau về sự tồi tệ trong vụ ly dị của chúng tôi. Nhưng nhiều tháng tư vấn và hòa giải chỉ làm chúng tôi thêm chia rẽ, và biến chúng tôi thành hai người tuyệt đối không thể giải thoát cho người kia. …Vậy nên tôi hỏi Thượng Đế tối đó trên mái Ashram là – dựa trên thực tế là có lẽ tôi sẽ không bao giờ nói chuyện với chồng cũ của mình nữa – có thể có một tầng bậc nào đó ở đấy chúng tôi có thể tương thông? Tầng bậc nào đó ở đấy chúng tôi có thể tha thứ?

…Vẫn tham thiền, tôi nhìn hai linh hồn xanh lạnh này đi vòng quanh nhau, hợp nhất, lại tách ra và xem xét độ hoàn hảo cũng như tương đồng của nhau. Họ biết tất cả. Họ đã biết tất cả mọi điều từ rất lâu từ trước và họ sẽ luôn biết mọi thứ. Họ không cần phải tha thứ cho nhau; họ sinh ra đã tha thứ cho nhau.

…Cho phép tôi nói rõ – không phải là tôi sẽ không bao giờ nghĩ về chồng cũ của mình nữa, hay không bao giờ có cảm xúc nào gắn liền với ký ức về anh ấy. Chỉ là cái nghi thức trên mái nhà này cuối cùng đã cho tôi một nơi để tôi có thể đón tiếp những ý nghĩ và cảm xúc mỗi khi chúng trỗi dậy sau này – chúng sẽ luôn trỗi dậy. Nhưng mỗi khi chúng xuất hiện trở lại, tôi có thể chỉ cần gửi trả chúng về đây, về mái nhà ký ức này, trả lại cho hai linh hồn xanh lạnh đó chăm nom, những người đã và luôn luôn hiểu mọi điều.

Điều mà hầu như ai cũng nghĩ đến khi đọc cuốn sách này của Liz là: làm sao mình lại có thể có những một năm đi du lịch vòng quanh thế giới, đến nơi mà mình muốn, mỗi nơi sống vài tháng, để mà tận hưởng đồ ăn ngon, học cách cầu nguyện, rồi lại còn – giả dụ như – học được cách yêu thêm lần nữa mà không phải lo lắng gì đến chuyện tiền bạc, con cái, công việc, và trăm ngàn thứ khác như cái chị này? Hiển nhiên là ai cũng có những điều kiện và hạn chế khác nhau, nên có lẽ nếu cứ chết tắc ở câu hỏi đó thì việc đọc cuốn sách này sẽ giảm hiệu quả đi đáng kể. Có lẽ thay vì việc cảm thấy bất lực vì không thể là Liz thì mỗi độc giả có thể tự hỏi mình xem mình có thể học được gì từ câu chuyện của Liz. Hãy nhớ rằng chị ấy chỉ có thể sống cuộc đời của chị ấy và kể lại nó chứ không phải chủ ý viết cuốn sách này để đưa ra lời khuyên gì cho ai cả. Hy vọng là đọc xong cuốn sách này một số người đọc ít nhất cũng bắt đầu quan tâm nghiêm túc hơn đến việc học cách đối diện chân thành với nội tâm của chính mình.

Ta có một quyết định to lớn trọng đại nào đó về điều ta cần phải làm, hay ta phải là ai, và rồi các tình huống nảy sinh sẽ ngay lập tức hé lộ cho ta thấy là ta hiểu biết quá ít về mình ra sao. Tôi không biết Swamiji đã nói điều đó bao nhiêu lần trong đời mình, và tôi không biết [Guru] mình đã lặp lại không biết bao nhiêu lần nữa điều đó từ khi ông chết, nhưng dường như tôi vẫn chưa hấp thụ được hoàn toàn chân lý trong phát biểu kiên trì nhất của họ:

“Thượng Đế ngự trị trong ta, cũng như ta.”

Nhân tiện, tôi không thích cách dịch “Guru” thành “Sư phụ” trong cuốn sách bản tiếng Việt này (© 2009 Nhã Nam), vì theo như giải thích ở trang 208-209 thì “[t]rong tiếng Phạn, từ [Guru] bao gồm hai âm tiết. Âm tiết đầu nghĩa là ‘sự tối tăm’, âm tiết thứ hai là ‘ánh sáng’. Ra khỏi bóng tối và bước vào ánh sáng”. Đối với tôi từ “sư phụ” gốc Tàu này mang tính phân biệt giới tính và không thể hiện được ý nghĩa của từ “guru” như giải thích ở trên, trong khi từ này cũng đã tương đối phổ biến và được giữ nguyên trong nhiều ngôn ngữ khác, tốt nhất ta cũng nên để nguyên thế mà xài.

8 Comments

Filed under Du ký

8 responses to “Ăn, Cầu nguyện, Yêu (P2)

  1. Matt

    Đọc bài viết này khiến e nhớ tới một bài viết khác của 1 chị cựu sinh viên trường mình. Thích viết sách và đi phượt. Yoga nữa!

    Like

    • Hong-Anh Nguyen

      Chị lại không thích yoga 😛

      Like

      • Matt

        Hehe. Em chưa từng đọc cuốn này nhưng ko hiểu sao nghĩ tới cầu nguyện là nghĩ ngay tới yoga. Có lẽ do đọc nhiều bài của chị kia quá :D. Em cũng ko nghĩ là ch thích yoga đâu. Hehe!

        Like

      • Hong-Anh Nguyen

        Cũng có tí liên quan đấy, chứ không phải không đâu. Trong sách này cũng có nhắc tí tới yoga, nhưng tại chị không quan tâm nên không nhắc tới 😀

        Like

  2. Matt

    “Có rất nhiều thứ trong 1 cuốn sách nhưng chúng ta thường chỉ muốn viết về những điều chúng ta quan tâm hoặc ưng ý”. 🙂

    Like

  3. Pingback: rằm tháng 9 | Mùa gió ^_^

  4. Matt

    Tối qua e cmt vào đây mà h ko thấy nữa. Chắc chưa kịp lưu thì e đã thoát.
    Bạn đồng nghiệp e bảo Guru ở bên Ấn có nghĩa là teacher/master (có 1 đứa tên Guru luôn) nhưng khi dịch thành sư phụ em cũng thấy sao sao ấy. Đang đọc đúng xuôi xuôi lọt vào một từ kiểu trớt quớt 😅

    Liked by 1 person

Leave a comment