Tag Archives: NXB Văn hóa Sài Gòn

Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (2007)

Tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (với minh họa của các họa sỹ) do NXB Văn hóa Sài Gòn & Đông A xuất bản năm 2007. Như lời tựa có giới thiệu, đây là tuyển tập ông Thiệp làm “để sớm lo chuyện ‘rửa tay gác bút’“. Sách dày gần 600 trang, lại khổ to (17,5 x 24 cm) nên cầm cũng nặng tay, nằm đọc thì hơi vất vả.

Tôi mua cuốn này vào khi nào cũng không nhớ, trước đã lôi ra đọc rồi bỏ dở ở đâu đó, cơ bản không thấy ấn tượng gì, chắc tại chưa “đủ tuổi”. Tới năm nay 2016 này tôi mới lôi ra đọc lại từ đầu và lần này thì đọc được hết, và có chút ấn tượng. Có lẽ truyện ông Thiệp bạn đọc gần 30 tuổi hẵng đọc, trước đó cứ yên tâm mải mê chinh chiến và yêu đương đi đã.

Hơn nửa đầu tuyển tập này tôi đọc khá là nhanh, khá là thích, nhưng càng về sau đọc càng chậm và (hoặc là vì) càng ít thích hơn. Các truyện được sắp xếp theo thứ tự thời gian, vậy có nghĩa là tôi không thích những truyện ông Thiệp viết sau này như những truyện ông viết trước đây.

“Khi mới viết văn, bởi người viết còn trẻ tuổi, thiếu kinh nghiệm sống, quan niệm thiện ác cũng như xử thế thị phi rạch ròi, lòng dạ sắt đá, bởi thế theo cổ nhân ắt hẳn “văn viết ra khó, tâm tuyệt, khí tuyệt, mặt tựa người chết” (chữ của Kim Thánh Thán). Trước năm 1992, phần lớn truyện tôi viết ra đều ở dạng này (‘Tướng về hưu’, ‘Không có vua’, ‘Giọt máu’, ‘Kiếm sắc’, ‘Vàng lửa’, ‘Phẩm tiết’, ‘Những người thợ xẻ’ v.v.) Bắt đầu ngấm ngầm từ truyện ‘Sang sông’, thật ra phải sang đến truyện ‘Sống dễ lắm’ tôi mới đủ tâm thế bèn chuyển sang lối viết dễ (hoặc tưởng là dễ) như thể phóng lãng, nhại đùa, cốt khư khư tồn dưỡng tâm khí cho mình mà không để nó thất thoát ra nữa. Cái dễ của nghề văn thực ra khi này chỉ là cái dễ bề ngoài mà thôi, mắt miệng hấp háy, cử chỉ lờ đờ, má hóp, hai bên khóe mép buông xuôi, đôi khi cười một mình, ngơ ngơ ngác ngác, quần áo trễ tràng (“lòng như sắt cứng cũng mềm dần” – thơ Lê Thánh Tông). Ta biết Tâm là thứ Trời định ra cho ta rồi: khi cái Tâm ra ngoài là Tình, vào trong là Tính, đi xuôi là Thức, trở ngược là Trí. Muốn đem ra ngoài mà cho trở ngược vào trong tức là phản quán, đấy là điều rất khó chứ dễ dàng gì (phản là trở lại, quán là chiếu soi hay xét biết).”

Trích Lời tựa

Ấn tượng đầu tiên của tôi qua cuốn này là ông Thiệp là người rất biết kể chuyện. Nghĩa là tôi thấy ông kể chuyện hấp dẫn. Nhiều truyện ông viết nếu tóm tắt cái cốt truyện thì cũng không có gì đặc biệt, nhưng đọc – tức là nghe ông kể chuyện – thì thấy rất thú vị, lôi cuốn.

Ấn tượng thứ hai của tôi là mấy truyện lịch sử ông viết. Ông Thiệp vốn là giáo viên dạy sử, thảo nào ông viết ra mấy truyện hư cấu dựa trên những nhân vật lịch sử, những sự kiện lịch sử. Thú thực là tôi không thạo mấy chuyện liên quan đến mấy người hay mấy thời kỳ ông nhắc tới, nhưng ở góc độ là người đọc truyện thì tôi thấy thú vị. Không rõ ngày xưa khi dạy sử ông Thiệp có kể chuyện cho học trò nghe không, nhưng khi đọc mấy truyện lịch sử của ông, tôi cứ nghĩ là nếu xưa tôi là học trò của ông chắc tôi sẽ thấy môn Sử thú vị hơn, gần gũi hơn, bởi cảm nhận được các nhân vật lịch sử về một mặt nào đó cũng là người bình thường, cũng tâm tư như ai, chứ không chỉ là những nhân vật tương đối vô hồn trong các cuốn giáo khoa sử.

Ngoài các nhà chính trị thời xưa ra ông Thiệp còn viết truyện về mấy ông bà thi nhân văn sĩ có thiệt như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du, Nguyễn Bính, Tú Xương, Vũ Trọng Phụng. Nhiều truyện của ông hay có thơ, do ông viết ra hay trích lại. Ông khá hay trích thơ Nguyễn Bính. Và trong nhiều truyện ông hay nhắc tới việc viết văn, ý nghĩa của nó, những thứ mang danh nó, những thứ người ta gán cho nó hay cho người viết, chuyện văn chương và cơm áo gạo tiền, những thứ đại loại như vậy.

Đó là nói về những ấn tượng, còn như đa phần các ông nhà văn khác, đối tượng chính của ông Thiệp dĩ nhiên là nhân dân cần lao chứ không phải mấy ông văn nhân, chính trị như tôi vừa nhắc ở trên. Và bởi vậy ông viết về cuộc sống đời thường, về nhân tình thế thái, về thói đạo đức giả, về cơm gạo tiền bạc, về những ham muốn bản năng, về  gia đình, về chuyện các thế hệ, về xã hội nói chung. Ông cũng dùng nhiều khái niệm và tư tưởng của Phật giáo nữa.

Tôi thấy truyện của ông Thiệp đậm chất văn hóa Việt, hay nói đúng hơn là đậm chất đồng bằng Bắc Bộ, thích triết lý, phản ánh một xã hội chịu ảnh hưởng rõ rệt của văn hóa truyền thống và chính trị, cũng như của thời mở cửa ra kinh tế thị trường, loay hoay giữa các giá trị. Chắc bởi vậy nên truyện của ông được nước ngoài đón nhận. Đọc ông Thiệp tôi không khỏi nhớ tới Dương Thu Hương, một nữ nhà văn cùng thời đó, cũng lột tả được cái xã hội thời đó như thế, cũng một giọng văn mà tôi cảm thấy rất đồng bằng Bắc Bộ, dù bà Hương viết quyết liệt hơn còn ông Thiệp thì bay bay hơn. Với tôi thì cả hai đều là những nhà văn Việt nên đọc.

Tôi rất thích phần vẽ minh họa của các họa sỹ là bạn ông Thiệp cho tất cả các truyện của ông trong tuyển tập này. Vừa đọc vừa coi hình rất thú vị.

Nhìn chung tôi thấy cuốn sách được làm cẩn thận, tuy còn đôi lỗi chính tả. Phần chú thích cuối truyện tôi không đọc hết nhưng tôi thấy cách viết lạ lạ và trình bày đẹp. Một cuốn sách hẳn là làm hài lòng ông tác giả và nhiều người đọc.

Leave a comment

Filed under Truyện ngắn

Ngầm (Murakami)

Ngầm: Thảm kịch sarin và sự trống rỗng giữa lòng thịnh vượng

Trần Đĩnh dịch từ bản tiếng Anh. Nhã Nam và NXB Văn hóa Sài Gòn phát hành năm 2009.

© 1997 Haruki Murakami

Cứ lần lữa mãi việc viết review cho cuốn này vì chẳng đọc được thêm cuốn nào trong số ít nhất hàng chục cuốn sách viết riêng về thảm kịch này, chưa kể những cuốn dành cho nó một phần hoặc một chương. Nhưng thôi kệ cứ review lần một, sau này có muốn review lần nữa thì tính sau. Phải review cuốn này vì còn muốn review 1Q84 (dù không thích cuốn đấy), mà review 1Q84 là sẽ muốn nhắc đến Ngầm một chút.

Giống như nhiều thảm kịch khác, vụ khủng bố bằng chất độc sarin trên một số tuyến tàu điện ngầm tại Tokyo năm 1995 được các báo lao vào đưa tin, phân tích, với các câu chuyện về nạn nhân và thủ phạm được đưa lên những trang nhất để mọi người có được một bức tranh càng nhiều chi tiết càng tốt về điều kinh hoàng vừa diễn ra. Ồn ào rồi cũng quên đi. Trừ các nhà nghiên cứu xã hội thì xắn tay vào nghiên cứu, viết sách, rồi những quyển sách đó sau này người Nhật có đọc không, thế giới có đọc không, thì tôi không rõ. Nhưng tôi cũng như nhiều người khác chỉ được biết đến thảm kịch này nhờ cuốn Ngầm của Murakami. Tôi cũng không biết ở Việt Nam có còn dịch cuốn nào khác viết về thảm kịch này không (lại càng không dám nghĩ đến chuyện có người Việt đã viết sách về sự kiện này bằng tiếng Việt).

Ngầm là một cuốn sách đặc biệt, vừa có tính báo chí lại vừa không phải báo chí, vì Murakami dành không gian rộng hơn cho các câu chuyện cá nhân, và để cho các cá nhân mà ông phỏng vấn tự kể, ông chỉ là người ghi chép lại trên cơ sở cùng trò chuyện và đặt ra các câu hỏi gợi mở.

Ngầm cũng vừa như một nghiên cứu xã hội học lại vừa không phải. Về phương pháp tiếp cận, thực hiện phỏng vấn, tháo băng, ghi chép của Murakami cũng như việc ông mô tả tỉ mỉ trong cuốn sách mình đã thực hiện các công việc như thế nào thì hoàn toàn giống một nghiên cứu xã hội học định tính. Chỉ cái cách xử lý dữ liệu và lựa chọn định dạng đầu ra – tức là nội dung cuốn sách này – thì không phải là một nghiên cứu. Murakami là nhà văn, ông ít khi muốn áp đặt suy nghĩ, đánh giá của mình lên câu chuyện của nhân vật – dù có thật hay tưởng tượng – trong cuốn này thì ông cũng có bàn luận đôi chút, nhưng phần lớn cuốn sách là một tập hợp các câu chuyện cá nhân nhìn từ cả hai phía – nạn nhân và thủ phạm.

Đúng như mong muốn của Murakami, các câu chuyện của các nạn nhân hiện lên rất sống động và đọc xong có lẽ người đọc đều tự cảm nhận được một phần nào đó về cái mà ông gọi là “ruột gan của nước Nhật” lúc bấy giờ. (Nói cho chính xác hơn thì chỉ là tâm hồn của những thị dân Tokyo, chứ tôi không tin nước Nhật lại chỉ là một Tokyo phóng lớn.) Nhìn chung là rất nhiều câu chuyện hay về việc người Nhật đã giúp nhau như thế nào giữa lòng thảm kịch ấy, từ những nhân viên nhà ga, đến chính những người bị trúng độc đã xoay xở cứu giúp lẫn nhau, đến những bác sĩ ở một bệnh viện đã chủ động in một bản hướng dẫn xử lý nạn nhân trúng độc sarin và gửi đi cho khắp các bệnh viện lớn vì họ biết rằng không nhiều người có kinh nghiệm với việc này. (Phản ứng chậm chạp của ngành y tế lúc đó dĩ nhiên đã nhận chỉ trích.)

Trong các câu chuyện về các nạn nhân, tôi thấy xúc động nhất là câu chuyện của một cô gái mà đến khi Murakami đến gặp cô, hơn một năm sau thảm kịch, mới vừa thoát khỏi trạng thái thực vật, bắt đầu tập nói trở lại và phục hồi trí nhớ. Người anh trai cô đã gần nửa năm trời ngày nào cũng tới thăm cô sau giờ làm việc và trở về nhà chỉ ngay trước nửa đêm – ngày nào cũng vậy. Khi Murakami đến gặp cô ông cũng thấy rất bối rối không biết nên phải nói gì.

Tối hôm đến bệnh viện thăm, tôi đã muốn động viên cô bằng cách nào đó – nhưng bằng cách nào? Tôi nghĩ cái đó tùy thuộc vào tôi nhưng hoàn toàn không phải vậy; thậm chí không cần phải nghĩ đến việc động viên cô nữa. Cuối cùng chính cô lại là người khích lệ tôi

Trong quá trình viết quyển sách này, tôi đã đầu tư nhiều suy nghĩ nghiêm túc vào Câu hỏi Lớn: sống có nghĩa là gì? Nếu tôi ở vào địa vị Shizuko, liệu tôi có sức mạnh ý chí để sống tròn đầy như cô không? Liệu tôi có dũng cảm hay ngoan cường và quyết tâm như cô không? Tôi có thể nắm bàn tay một ai với hơi ấm và sức mạnh như thế không? Tình yêu của những người khác liệu có cứu được tôi không? Tôi không biết. Thật thà mà nói, tôi không chắc chắn lắm.

Về mặt kia của câu chuyện này là hàng ngàn câu hỏi tại sao xung quanh câu hỏi tại sao lớn nhất: tại sao thảm kịch này lại xảy ra? Trước hết, những câu chuyện của “bọn chúng”, tức là những thành viên của giáo phái Aum – chủ mưu của vụ khủng bố này, lại được kể lại qua ghi chép của Murakami về cuộc phỏng vấn của ông với họ. Từ những dữ liệu thô này, mỗi người đọc cũng có thể có những tự ngẫm riêng cho mình về sự hình thành và phát triển của một giáo phái cực đoan trong lòng một xã hội dường như đã có đủ mọi vật chất xa hoa mà lại có những khoảng trống mênh mông trong lòng nhiều con người vốn cũng rất bình thường như chính những nạn nhân của thảm kịch. Những lời cuối cùng của cuốn sách Murakami đã viết như sau:

…Nhưng chúng ta cần nhận thức rằng phần lớn những người gia nhập các giáo phái đều không phải là người dị thường, họ không có điểm gì thiệt thòi, họ không lệch lạc. Họ là những người sống cuộc đời thường thường bậc trung (và nhìn từ ngoài có khi còn hơn cả bậc trung nữa), những người đang sống gần quanh tôi. Và cả quanh bạn.

Có thể họ đã nghĩ về mọi chuyện hơi quá nghiêm túc một chút. Có lẽ trong nội tâm họ có nỗi đau nào đó họ cứ mãi mang theo. Họ không giỏi bày tỏ cảm xúc của mình cho người khác và có phần nào đó bất an. Họ không thể tìm ra cách thích hợp để tự diễn đạt bản thân, và cứ đắn đo qua lại giữa cảm giác kiêu hãnh và cảm giác mình thiếu năng lực. Tôi rất có thể là như thế. Và cả bạn nữa.

Còn nhiều trang viết khác trong cuốn sách này như đoạn trích ở trên – so với các cuốn tiểu thuyết của ông thì ở đây Murakami chia sẻ nhiều hơn về việc ông nghĩ gì về cuộc đời này. Trong các cuốn tiểu thuyết của mình, như các nhà văn khác, ông chỉ viết vài câu “triết lý” rất ngắn chen giữa câu chuyện của các nhân vật, rồi lại nhanh chóng đẩy người đọc trở lại thế giới tưởng tượng của mình.

Tôi rất muốn trích-chép thêm vài đoạn nữa để kết thúc bài review này, nhưng để mà chép cho thành một cái gì đó make sense một chút thì lại rất dài, nên thôi các bạn đọc sách (hoặc đọc lại) đi vậy.

Như đã nói từ đầu, tôi viết bài review này một phần là để “dọn đường” cho bài review tiếp về 1Q84, vì khi đọc quyển ấy tôi không thể không nghĩ tới Ngầm và giáo phái Aum. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tôi nghĩ độc giả của Murakami nên đọc Ngầm trước khi đọc 1Q84. Tôi nghĩ là đọc theo trình tự ngược lại cũng rất thú vị, và hy vọng sẽ có bạn nào đọc theo trình tự ấy rồi viết review móc nối hai quyển cho tôi chống mắt lên đọc. Khi ấy tôi nhất định sẽ comment ;).

8 Comments

Filed under Phi hư cấu khác