Đột nhiên có tiếng gõ cửa

Nếu bạn hay đọc truyện ngắn, hoặc đang đi tìm một tuyển tập truyện ngắn dễ đọc nhưng có chất lượng, bạn có thể thử cuốn này: Đột nhiên có tiếng gõ cửa của Etgar Keret, do Lê Đình Chi dịch, Alpha Books và NXB Lao động phát hành năm 2015.

Mỗi lần tôi mở sách ra đọc, cuốn sách như lôi tuột tôi vào một thế giới khác. Rất khác. Không phải bởi tác giả của nó đến từ một nền văn hóa lạ với tôi, mà tôi nghĩ phần lớn là do tài bịa đặt siêu thực kỳ ảo của Keret khi viết truyện. Thường tôi không đọc gì vào buổi tối những ngày nhiều việc vì khi đó tôi không muốn nhét thêm thứ gì nữa vào đầu, nhưng cuốn truyện này là một ngoại lệ. Tôi đã đọc nó vào những buổi tối sau ngày dài mệt mỏi, bởi nó cho tôi một cảm giác được thoát khỏi thực tại mà đi đâu đó. Có những khi tôi chỉ đọc được một vài truyện rất ngắn trong đó thì đã buồn ngủ, nhưng tối hôm sau lại hào hứng mở ra đọc trước khi đi ngủ. Chỉ vài trang của cuốn sách cũng giúp tôi cảm thấy dễ chịu.

Với tôi, Keret không chỉ là một người kể chuyện lôi cuốn, ông còn là người biết lôi cuốn ngay từ câu đầu tiên. Tôi thích cách mở đầu của rất nhiều truyện ngắn trong tập truyện này. Rất khích thích trí tò mò. Không vòng vo dẫn dắt mà ném thẳng vào người đọc một tình huống nào đó để bắt đầu câu chuyện. Một cách lấp lửng!

‘”Kể cho tao một câu chuyện,” người đàn ông râu rậm ngồi trên ghế sofa phòng khách nhà tôi ra lệnh.’

‘Robbie nói dối lần đầu tiên khi lên bảy.’

‘Tôi biết một người đàn ông lúc nào cũng tưởng tượng.’

‘Kể từ khi cô bỏ đi, mỗi tối anh lại lăn ra ngủ một chỗ: trên ghế sofa, trên ghế bành ngoài phòng khách, trên tấm thảm trải ngoài ban công như một gã vô gia cư lang thang.’

‘Con trai tôi muốn tôi giết bà ấy.’

‘Theo quan điểm của tôi, toàn bộ biến cố xảy ra với Avishai Abudi khiến tất cả chúng ta phải để tâm chú ý.’

‘Câu chuyện đầu tiên Maya viết kể về một thế giới tại đó con người tách mình làm đôi thay vì sinh sản.’

‘Khổ sở nhất là ban đêm.’

‘Yonatan có một ý tưởng chói sáng cho một phóng sự tài liệu.’

‘Ba trong số những anh chàng cô từng hẹn hò đã tìm cách tự sát.’

‘Một vài đứa trẻ nằm lăn ra sàn và gào thét ăn vạ.’

‘Đây là câu chuyện về một người đàn ông phải khổ sở vì một búi trĩ.’

‘Bà quyết định mở cửa nhà hàng ngay lập tức, vào buổi sáng sau tang lễ.’

‘Tôi nói quá nhiều.’

‘Ba người đang đợi trước một bộ đàm liên lạc nội bộ.’

‘Những câu tôi đang viết lúc này là để dành cho những người xem Truyền hình Công cộng Đức.’

Không chỉ nhiều câu mở đầu ngắn mà tôi thấy nhìn chung Keret là người ưa viết những câu ngắn. (Một cách tốt để lấp lửng.)  Mà tôi thì ưa những nhà văn viết những câu văn ngắn, vì nó phù hợp với sự tiêu hóa chữ nghĩa của tôi khi đọc. Đó cũng là một lý do tôi thích đọc tập truyện này của Keret.

Dĩ nhiên chuyện câu ngắn câu dài, mở đầu khiêu khích hay không khiêu khích chỉ là một tí kỹ thuật viết lách chứ không tạo nên được linh hồn cho tác phẩm. Điều tôi thích nhất ở tập truyện này, như đã nói từ đầu, là nó lôi tuột tôi vào thế giới tưởng tượng của nhà văn. Ở đó trí tưởng tượng của tôi cũng được đẩy xa hơn, một cảm giác mà đã rất lâu rồi tôi mới có được khi đọc một cuốn truyện hư cấu.

‘…”Tao cảnh cáo mày rồi đấy,” gã Thụy Điển ngắt lời tôi. “Không có tiếng gõ cửa nào hết đâu đấy.” “Tôi cần phải có,” tôi khăng khăng. “Không có một tiếng gõ cửa sẽ chẳng có câu chuyện nào hết.” “Để kệ hắn,” tay giao pizza dịu giọng nói. “Cho hắn nghỉ một chút. Mày muốn một tiếng gõ cửa chứ gì? Được, mày có một tiếng gõ cửa rồi đấy. Miễn là nó đem đến cho [chúng tao] một câu chuyện.”‘

Cuốn sách này cũng chính là một tiếng gõ cửa hư ảo lên những hiện thực của cuộc đời!

1 Comment

Filed under Truyện ngắn

One response to “Đột nhiên có tiếng gõ cửa

  1. cảm ơn bạn vì bài viết!

    Like

Leave a comment