1Q84

Tôi đọc ba cuốn 1Q84 (bản tiếng Việt) cũng khá cách quãng, tuy nhiên khi gần đây lật lại cả ba cuốn để chuẩn bị viết bài review này, tôi vẫn muốn bảo lưu cảm nhận của mình khi đọc xong bộ này, ấy là thất vọng. Nhưng tôi lại cảm thấy có nhiều điều đáng nói xung quanh sự thất vọng này.

Nhìn chung, tôi cho rằng đây là một thất bại của Murakami. Trước hết, hai nhân vật chính rất mờ nhạt. Không biết họ có phải là nguồn cảm hứng để sau này ông nghĩ ra cái nhãn “không màu” cho nhân vật chính của một cuốn sách khác của mình hay không nữa. Hai nhân vật chính ngoài chút tài năng ra tôi không thấy họ có gì đặc biệt đáng chú ý cả. Vậy hãy đọc chính Murakami viết gì về tài năng trong chính cuốn sách “không màu” của ông mà tôi cảm thấy như là khi đó ông đang review chính hai nhân vật trong 1Q84 của mình vậy:

“À, tài năng ấy à, nó đôi khi rất dễ chịu. …Nhưng cậu Haida này, tài năng chỉ phát huy vai trò khi được nâng đỡ bởi sự tập trung mạnh mẽ, dẻo dai của thể xác và ý thức mà thôi. Chỉ cần một con vít nằm đâu đó trong óc rơi ra, hoặc một mạch nối nào đó trong cơ thể đứt cái phựt, thì sức tập trung hoặc bất cứ thứ gì cũng sẽ tiêu biến như làn sương sớm. …Thể xác con người yếu đuối như vậy đấy. Nó là một hệ thống có cấu tạo phức tạp và tinh vi khủng khiếp, nên hỏng hóc là chuyện thường. Và trong phần lớn các trường hợp, một khi đã hỏng hóc thì khó lòng mà khôi phục được. Sâu răng hay mỏi vai có lẽ vẫn còn chữa được, chứ có nhiều thứ khác không chữa nổi đâu. Được xây dựng trên một nền móng bất trắc và thiếu tin cậy như thế thì thử hỏi tài năng có ý nghĩa đến mức độ nào?”

Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương

Hình như đây là lần đầu Murakami đẩy nhân vật nữ chính lên một tầm mới, trở thành một nhân vật chính thực sự chứ không chỉ còn là một “phương tiện” để cho nhân vật nam chính thực hiện các chuyến hành trình tìm kiếm chính mình (nguyên văn ông dùng “medium” ở bài phỏng vấn siêu dài này). Nhưng cô nhân vật nữ chính này chẳng qua chỉ là một bản sao phiên bản nữ của nhân vật nam chính – tính cách khá tương đồng – chỉ thêm một ít gia vị để người đọc biết rằng đó là phụ nữ thôi. Tôi thì thấy nhạt nên không để ý lắm, nhưng một nhà phê bình đã phê phán việc Murakami đã xây dựng một nhân vật nữ chính quá ám ảnh về bộ ngực của mình như là để thể hiện sự nữ tính của nhân vật. Bài viết khá dài, moi móc ra từng đoạn Murakami đã mô tả sự ám ảnh ấy như thế nào, xem thêm ở đây.

Còn về tình yêu của hai nhân vật này, không rõ có ai thấy cảm động không mà tôi chả có cảm xúc tẹo nào hết trơn!? Hai cô cậu cô đơn cầm tay nhau năm mười tuổi để rồi chỉ vì vậy mà sau này sống chết cũng phải tìm nhau cho bằng được – tôi không cảm thấy thuyết phục lắm.

Về nhân vật nam chính, một trong những điểm nổi bật trong cuộc đời cậu này là mối quan hệ với người cha, nhưng tôi cảm thấy Murakami như copy lại câu chuyện cha con của Paul Auster nên không có gì đáng nói cả, mà thực ra cũng không hay bằng câu chuyện của Auster. Ai chưa biết câu chuyện cha con của Auster có thể đọc Khởi sinh của cô độcMoon Palace của bác này (cuốn sau cũng là tiếng Việt).

Nhân vật phản diện Ushikawa thực ra cũng chỉ là một bản sao méo mó của hai nhân vật chính – y cũng có tài năng riêng, và cũng có ý chí sắt đá và lối sống kỷ luật, như rất nhiều nhân vật chính khác trong những cuốn sách khác của Murakami. Rất có thể đây là dụng ý của Murakami, nhưng tôi cho là việc mô tả một nhân vật phản diện có bề ngoài xấu xí đến dị thường và khó ưa là một lối xây dựng nhân vật rất chán. Khi đọc những phần về nhân vật này, tôi có cảm giác như Murakami dựa khá nhiều vào những hiểu biết của ông về những thành viên giáo phái Aum – được mô tả hay và kỹ hơn nhiều trong cuốn Ngầm: Thảm kịch sarin và sự trống rỗng giữa lòng thịnh vượng. Ví dụ trong cuốn ấy, ông có viết những đoạn mà tìm đỏ mắt trong 1Q84 cũng không thấy có gì hay được bằng, chứ đừng nói là hay hơn những gì ông đã viết ra cách đây nhiều năm:

Nó [Aum] cho chúng ta thấy một hình ảnh của chính chúng ta bị bóp méo theo cách thức mà không ai trong chúng ta có thể lường tới trước. …trên thực tế, những lần chạm trán có thể đánh thức mạnh mẽ nỗi ác cảm hay ghê sợ thường lại là hình ảnh phóng chiếu của chính các lỗi lầm và nhược điểm của chúng ta. …trong sự tồn tại của họ, chắc chắn phải có gì đó cũng có trong chúng ta… Hay đúng hơn, “bọn chúng” là tấm gương phản chiếu của “chúng ta”!

Tương tự như Ushikawa, giáo phái trong 1Q84 hẳn cũng là một sự hư cấu của Aum. Aum trên thực tế được thành lập vào năm 1984. Tôi không thực sự hiểu câu chuyện về cái năm 1Q84 này và sự trốn thoát của hai nhân vật chính khỏi không gian này để trở về “không gian thực” (1984?). Có lẽ Murakami muốn ước rằng giáo phái ấy đã chỉ tồn tại trong một không gian ảo là 1Q84, để cho giáo chủ bị giết và hệ thống còn lại không có cách nào để tự tái tạo lại được? Dù sao thì câu chuyện quá dài và quá thiếu hấp dẫn nên chắc tôi không thể đọc lại để mà theo đuổi câu hỏi này được.

Nhìn chung, tôi thấy đây là một tác phẩm tham vọng của Murakami nhưng ông đã chưa phát triển được cho chín các ý tưởng của mình. Mà với một người kỷ luật như ông thì chắc là khi đến hẹn với các nhà xuất bản thì kiểu gì ông cũng phải kết thúc câu chuyện mà xuất bản nó ra – cái này tôi đoán mò thôi.

Dù sao thì cá nhân tôi là một người đọc Murakami cũng kha khá lại cảm thấy thú vị trước 1Q84 ở chỗ Murakami đã bò ra khỏi vùng an toàn (comfort zone) của ông để thử nghiệm, nên dù ông có thất bại tôi vẫn thích hơn là nhìn thấy ông cứ quanh quẩn với những câu chuyện và những nhân vật quen thuộc. Không biết liệu sau này ông có dám tiếp tục thử nghiệm nữa không, vì cuốn “không màu” ra sau bộ 1Q84 đã lại thấy ông rút về vùng an toàn rồi.

Một lần, tôi nói với một bạn độc giả của Murakami chưa đọc cuốn này là nếu muốn bạn ấy có thể bỏ qua vì cuốn này dài mà chán, nhưng giờ tôi lại nghĩ lại. Tôi nghĩ là đây là một phép thử rất hay với những độc giả thường xuyên của Murakami – những người đã quen với thành công của ông giờ sẽ nhìn nhận thất bại này của ông như thế nào? Họ sẽ muốn ông tiếp tục thử nghiệm và chấp nhận thất bại hay muốn ông quay về vùng an toàn? Hay là họ cũng chẳng quan tâm nữa vì như một số độc giả nói, họ đang falling out of love với ông rồi?

Tôi cũng tạm chia tay Murakami từ đây, không phải vì bộ 1Q84 này mà vì tôi đã hẹn hò ông này quá lâu rồi và giờ thì muốn dành thời gian đi hẹn hò những người khác. Tương lai có quay lại với Murakami hay không thì tôi phó mặc cho duyên số. 🙂

10 Comments

Filed under Tiểu thuyết

10 responses to “1Q84

  1. Chị chưa đọc Ngầm. 1Q84 so với quảng cáo thì khi đọc đúng là có thất vọng thật. Xét về tổng thể câu chuyện không đến nỗi bị bôi dài ra đến 3 tập lê thê đến vậy. Nhưng chắt lọc từ trong bộ này có khá nhiều ý tưởng hay và sáng tạo mà chị rất thích. Chị thích ý tưởng 2 vầng trăng, 2 thế giới song song, có một khe nhỏ để đi qua. Đôi khi có những người sống 1 thế giới dường như không đủ. Trong tiểu thuyết các nhân vật có đọc tên những cuốn sách nổi tiếng nữa, quyển Đi tìm thời gian đã mất, chắc phải hiểu cả quyển đó mới hiểu thêm về tác phẩm chăng? Chuyện khá sáng tạo ở nhiều đoạn, đoạn thành phố mèo, đoạn những tiếng gõ cửa, nếu viết gọn lại những chỗ dài dòng thì sẽ thuyết phục hơn. Chị có đọc Khởi sinh của cô độc rồi, nhưng cũng không thấy giống lắm. Mà em có Moon Place tiêng Việt ebook không? (Có lẽ phải đọc lại 2 lần và đọc thêm các bài phân tích khác mới hiểu thêm được.)

    Liked by 1 person

    • Tình cờ là em có biết chỗ tải e-book Moon Palace, nhưng bản tiếng Việt (Cao Việt Dũng tr, Nhã Nam, 2009) thì chỉ có bản pdf (scan từ sách) mà chưa có epub, ở đây. 🙂

      Liked by 1 person

    • Hong-Anh Nguyen

      Chị viết “Đôi khi có những người sống trong một thế giới dường như không đủ” tự dưng lại gợi cho em nhớ đến bộ phim Midnight in Paris. Không biết chị đã xem chưa. Bộ phim này thì không nói về các thế giới song song nhưng lại nói về một người đàn ông luôn cho rằng thế giới tốt đẹp nhất chính là thế giới này nhưng lùi về quá khứ. Anh ta vô tình được trở về đúng cái thời quá khứ mà mình mong muốn ấy, được gặp gỡ các văn hào, gặp một người phụ nữ rồi đem lòng yêu cô ấy, nhưng cô này lại cho rằng thế giới tốt đẹp nhất lại là lùi lại một vài thập kỷ nữa kia. Họ lại cùng nhau trở về được cái thập kỷ ấy và cô ấy quyết định là cô ấy muốn sống ở đó, còn anh kia có muốn ở lại với cô ấy hay không thì tùy. Em cũng chẳng nhớ phim kết thúc thế nào nữa, nhưng ý tưởng của bộ phim khá hay.

      Thực ra các nhà văn chính là những người sống trong một thế giới cảm thấy không đủ, nên phải tạo ra các thế giới tưởng tượng cho thỏa lòng mình. Những ai không tạo ra được những thế giới ấy thì lại tìm đọc các nhà văn vậy. 🙂

      Liked by 1 person

  2. Hong-Anh Nguyen

    Em lại không có ebook Moon Palace chị ạ.

    Vâng bài viết này em cũng bỏ qua nhiều chi tiết vì trong truyện này các chi tiết rời rạc quá, em nói ý là có nhiều ý tưởng chưa chín là vậy, kiểu underdeveloped. Nên em cảm giác là Murakami hơi tham vọng quá với bộ này.

    Đi tìm thời gian đã mất thì đọc chắc cũng oải lắm vì là bộ 7 cuốn đấy ạ.

    Liked by 1 person

  3. Đọc các tác phẩm dài của Murakami hầu như chị đều phải đọc lướt ví dụ như cuốn Biên niên ký chim vặn dây cót chẳng hạn. Rừng Nauy may có tình yêu tình báo nên không phải lướt đoạn nào :). Ông ấy có một số chỗ hơi sa đà vào dài dòng. Nhưng với tốc độ ra sách như gà đẻ trứng thì thật đáng nể.

    Like

  4. Matt

    Finally, you had your own review before mine. I couldn’t help reading this, yet the more I read, the more I wanna finish this novel soon. :))

    Like

Leave a comment